Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2008

CHUYỆN THẬT VÔ LÝ CỦA CS TẠI VN

Tường thuật phiên tòa xét xử 4 bị cáo nguyên là phóng viên và cảnh sát điều tra

15/10/2008 1:10
Các bị cáo tại phiên tòa (4 người đứng, từ trái sang): Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến, Đinh Văn Huynh và Phạm Xuân Quắc - Ảnh: TTXVN
8 giờ 26 phút sáng qua, các bị cáo nguyên là cán bộ cảnh sát điều tra và nguyên là phóng viên báo chí vi phạm pháp luật liên quan đến vụ án PMU 18 được lần lượt đưa vào phòng xử án, theo trình tự Đinh Văn Huynh - Nguyễn Văn Hải - Nguyễn Việt Chiến - Phạm Xuân Quắc.
Có 9 người là phóng viên các báo có tham gia viết bài về vụ án PMU 18 và cán bộ C14 được mời dự phiên tòa với tư cách nhân chứng. Xét hỏi
Phần đọc cáo trạng của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội kéo dài 46 phút; Trong đó, các bị cáo Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh bị cáo buộc: "Trong thời gian được giao nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức điều tra vụ án, ngoài việc để các phóng viên tự do vào cơ quan, nắm được kế hoạch làm việc của điều tra viên, các bị can còn trực tiếp quan hệ, tiếp xúc với phóng viên các báo tại phòng làm việc, tại nhà riêng, gọi điện thoại và đã tiết lộ thông tin liên quan đến vụ án cho báo chí đăng tải, trong đó đáng chú ý là thông tin không chính xác về kết quả điều tra, có những tài liệu chỉ là tài liệu ban đầu, chưa được thẩm tra xác minh nhưng vẫn cung cấp cho báo chí đăng tải". Ngoài ra bị cáo Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh còn bị cáo buộc "sử dụng tài liệu chưa được thẩm tra xác minh để báo cáo thông tin sai sự thật lên cấp trên gây hiểu lầm trong nội bộ".
2 nguyên phóng viên Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh) bị cáo buộc "lợi dụng chức trách, nhiệm vụ" của phóng viên được giao viết bài về mảng nội chính, khi nhận được thông tin từ cơ quan điều tra hoặc từ các báo khác đã dựa vào đó để bình luận, suy diễn về nạn tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, chạy tội... Cáo trạng viết: "Từ những thông tin báo đăng không đúng sự thật, một số công dân đã khiếu kiện cơ quan báo chí vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân và yêu cầu báo chí phải bồi thường".
Trong phần xét hỏi sau đó, ngoại trừ bị cáo Nguyễn Văn Hải thừa nhận nội dung cáo trạng là khách quan và rõ ràng về việc bị cáo đã đưa "thông tin không đúng sự thật", các bị cáo Phạm Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh và Nguyễn Việt Chiến đều không chấp nhận toàn bộ hoặc một phần lớn cáo buộc. Các bị cáo Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh cho rằng mình không cung cấp thông tin về vụ PMU 18 cho phóng viên các báo. Tuy nhiên, các nhân chứng là phóng viên các báo được mời đến tòa đều khẳng định việc các bị cáo Quắc, bị cáo Huynh đã xác nhận những thông tin liên quan trong quá trình điều tra vụ án PMU 18 mà họ hỏi để viết bài.
Đối chất và tranh luận
Trong phần đối chất sau đó, Nguyễn Việt Chiến, nguyên phóng viên Báo Thanh Niên cũng khai: hầu hết các thông tin trong số 14 bài báo mà anh viết, đăng tải trên Báo Thanh Niên (cáo trạng cáo buộc là "sai sự thật") đều được cung cấp bởi ông Quắc, ông Huynh và một số cán bộ lãnh đạo khác của Tổng cục Cảnh sát... Nguyễn Việt Chiến khẳng định: "Tất cả những thông tin này, tôi có được thông qua trao đổi trực tiếp hoặc điện thoại và đều có băng ghi âm". Toàn bộ băng ghi âm đã được bị cáo cung cấp cho cơ quan điều tra. Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Trần Văn Vy hỏi bị cáo Chiến: Nhưng những nội dung đó anh thấy có đúng sự thật không? Trả lời: Tôi khẳng định là xác thực vì khi vụ án đang điều tra, báo chí là một kênh thông tin và chúng tôi thu thập thông tin từ cơ quan điều tra. Chúng tôi nghĩ đó là những thông tin xác thực. Còn 2 năm sau vụ án mới có kết luận điều tra. Hỏi: Thế thông tin 40 nhân vật nhận tiền chạy án của Bùi Tiến Dũng có chính xác không? Trả lời: Tôi nghĩ là chính xác bởi vì việc đó không chỉ có một nguồn mà tôi có 4 nguồn để kiểm chứng. Tôi đã nộp băng ghi âm cho cơ quan điều tra.
Thẩm phán Nguyễn Sơn hỏi bị cáo Chiến về việc "có biết rằng những thông tin mà bị cáo Quắc cung cấp thuộc độ mật không?". Bị cáo Chiến nói là không mật.
Các luận cứ của luật sư Phạm Ngọc Thạch bào chữa cho bị cáo Đinh Văn Huynh và luật sư Ngân Hà, bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Quắc đều chứng minh rằng, việc cung cấp thông tin của các bị cáo là công việc bình thường nằm trong quy định của Luật Báo chí và Luật Phòng chống tham nhũng, không nhằm tiết lộ bí mật công tác.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Việt Chiến, luật sư Hoàng Văn Quánh và luật sư Phạm Hồng Hải đều chỉ ra rằng, không đủ căn cứ để truy tố nguyên phóng viên này tội lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Nguồn tin của bị cáo là rõ ràng, xác thực (từ Ban chuyên án), trong suốt thời gian báo đăng tải thông tin vụ PMU 18 không có bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có ý kiến với Báo Thanh Niên và phóng viên về "thông tin sai sự thật". Cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ được Nguyễn Việt Chiến lợi dụng quyền tự do dân chủ để làm gì và xâm hại lợi ích của ai? Các luật sư cũng đặt câu hỏi, cùng thời gian này có khoảng 40 phóng viên viết 1.200 bài báo đăng tải trên hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng nhưng cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ bao nhiêu bài báo trong đó sai, tính xác thực đến đâu mà chỉ có phóng viên Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ phải chịu trách nhiệm hình sự?
Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đề nghị mức án đối với bị cáo Phạm Xuân Quắc cải tạo không giam giữ từ 1-2 năm; bị cáo Đinh Văn Huynh từ 24 đến 30 tháng tù giam; bị cáo Nguyễn Việt Chiến 24-30 tháng tù giam; bị cáo Nguyễn Văn Hải 18-24 tháng cải tạo không giam giữ.
Trong phần có ý kiến sau lời bào chữa của các luật sư, các bị cáo Phạm Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh đều mong được Hội đồng xét xử xem xét khi định tội; bị cáo Nguyễn Văn Hải bày tỏ sự hối hận với các thông tin sai sự thật. Còn bị cáo Nguyễn Việt Chiến cũng tỏ ra xúc động mạnh khi nói "Tôi nghĩ nếu tôi là một nhà báo thoái hóa, nhận tiền đút lót, ăn hối lộ để viết bài chạy tội, chạy án cho các bị cáo trong vụ án tham nhũng này (vụ PMU 18 - PV) thì việc truy tố tôi ra trước tòa tôi không có gì để nói. Trong suốt 1 năm trời làm việc với cơ quan điều tra, có lẽ tôi là PV duy nhất nộp cho cơ quan điều tra rất nhiều băng ghi âm. Tôi đã cộng tác hết sức đầy đủ với cơ quan điều tra. Tôi chỉ mong muốn, Hội đồng xét xử với sự công minh của mình hãy xem xét cho tôi...".
Lúc 18 giờ 15 cùng ngày, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố chấm dứt ngày làm việc thứ nhất. Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào sáng ngày 15.10.
Luật sư Ngân Hà hỏi bị cáo Phạm Xuân Quắc
* Hỏi: Bị cáo từng tham gia những vụ án quan trọng nào với cương vị gì?
- Trả lời: Tôi tham gia hầu hết các chuyên án lớn:
* Hỏi: Trong các vụ án đó có cung cấp thông tin cho báo chí không?
- Tất cả chuyên án lớn ở Việt Nam nhất là chục năm gần đây đều được báo chí đăng tải, ví dụ các vụ tôi tham gia như Khánh Trắng, Năm Cam (phó ban chuyên án), các báo đều hỏi và được thông tin kịp thời. Các vụ khác cũng thế, không thấy ai nói là lộ bí mật.
Luật sư hỏi bị cáo Nguyễn Việt Chiến
* Hỏi: Bị cáo có động cơ gì khi viết bài?
- Trả lời: Động cơ trong sáng, rõ ràng, không vụ lợi nhằm đấu tranh chống tham nhũng.
* Hỏi: Bị cáo bị truy tố vì tội lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của tổ chức, cá nhân, vậy đã bao giờ có ai yêu cầu bị cáo phải đính chính về thông tin đăng báo chưa?
- Trả lời: च
ưa có ai.
Nhóm phóng viên CT-XH
Hôm nay, xét xử 4 bị cáo nguyên là phóng viên và cảnh sát điều tra


Từ trái qua: bị cáo Quắc, Chiến, Hải
Hôm nay, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm công khai xét xử 4 bị cáo nguyên là cán bộ cảnh sát điều tra (CSĐT) và nguyên là phóng viên báo chí liên quan đến vụ án PMU 18.
Đó là thiếu tướng Phạm Xuân Quắc - nguyên Cục trưởng Cục CSĐT (C14), nguyên Trưởng ban chuyên án điều tra vụ PMU 18; Thượng tá Đinh Văn Huynh - nguyên Trưởng phòng 9, C14; Nguyễn Việt Chiến - nguyên phóng viên Báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải - nguyên phóng viên Báo Tuổi Trẻ TP.HCM. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 2 ngày (14 - 15.10).
Ngày 13.5.2008, ông Phạm Xuân Quắc bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (Điều 281 Bộ luật Hình sự). Trước đó 1 ngày, các nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải và thượng tá Đinh Văn Huynh bị khởi tố, bắt tạm giam với cùng tội danh. Tuy nhiên cơ quan tố tụng đã thay đổi tội danh của cả 4 bị cáo này để sát với kết quả điều tra và hành vi mà các bị cáo đã thực hiện: 2 nguyên cán bộ cảnh sát bị chuyển sang tội "cố ý làm lộ bí mật công tác" (Điều 286 Bộ luật Hình sự); 2 nguyên phóng viên bị chuyển sang tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" (Điều 258 Bộ luật Hình sự). Trong 4 bị can của vụ án chỉ có ông Phạm Xuân Quắc được tại ngoại.
Dự kiến có khoảng 30 phóng viên của 26 cơ quan báo chí trong nước và phóng viên của một số hãng thông tấn nước ngoài tham dự đưa tin phiên xử này. Thanh Niên sẽ tường thuật phiên tòa trên số báo ngày mai.
An Nguyêन

Kết thúc phiên sơ thẩm xét xử nguyên phóng viên và cảnh sát điều tra: Hai bị cáo trở lại trại giam
Sáng qua, 15.10.2008, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tiếp tục nội dung xét xử sơ thẩm 4 bị cáo nguyên là phóng viên báo chí và cán bộ cảnh sát điều tra liên quan đến vụ án PMU 18.
Ở thời điểm sắp kết thúc phiên xét xử chiều hôm trước (14.10), bị cáo Đinh Văn Huynh đã cho biết sẽ gửi tới Hội đồng xét xử ý kiến, kiến nghị của mình. Và vào lúc mở đầu phiên xét xử ngày thứ hai, Đinh Văn Huynh nhận tội, theo lời bị cáo "đã suy nghĩ suốt đêm qua". Bị cáo Huynh thừa nhận tất cả các cáo buộc: cho phóng viên tự do ra vào cơ quan để khai thác thông tin; cung cấp một số thông tin đang là tài liệu ban đầu, tài liệu chưa được kết luận và kế hoạch công tác của Phòng và Cục (không được phép tiết lộ) liên quan đến vụ án PMU18 cho các nhà báo... Đây là những nội dung mà một ngày trước đó bị cáo Huynh đã ra sức bào chữa.

Tiếp tục phần tranh luận công khai tại tòa, công tố viên đã đưa ra các lý lẽ phản bác lập luận của luật sư nhằm bảo vệ cho các bị cáo. Các luật sư cũng đưa ra nhiều lập luận xung quanh những vấn đề cơ bản trong cáo trạng như: căn cứ để xác định tội "làm lộ bí mật công tác"; quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định theo Luật Báo chí; đề nghị làm rõ khách thể bị xâm hại và hậu quả thiệt hại do hành vi được cho là phạm tội của các bị cáo; mức độ khách quan của các cáo buộc; việc xem xét vật chứng như thế nào; động cơ, mục đích của các bị cáo nguyên là phóng viên trong quá trình tác nghiệp vụ PMU18...

Kết thúc phần tranh luận, các bị cáo lần lượt nói lời sau cùng. Sau đó, Hội đồng xét xử tiến hành nghị án trong khoảng 35 phút.

12 giờ 19 phút cùng ngày, bản án sơ thẩm dành cho 4 bị cáo đã được tuyên. Bị cáo Phạm Xuân Quắc nhận hình phạt cảnh cáo; bị cáo Đinh Văn Huynh nhận bản án 1 năm tù giam. Cùng bị tuyên phạm tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", theo khoản 2 điều 286 BLHS, bị cáo Nguyễn Việt Chiến (nguyên PV Báo Thanh Niên) bị tuyên án 2 năm tù giam; bị cáo Nguyễn Văn Hải (nguyên PV Báo Tuổi trẻ) nhận mức án 24 tháng cải tạo không giam giữ, theo đó, một ngày bị cáo Hải bị tạm giam được quy đổi bằng 3 ngày cải tạo không giam giữ. Bị cáo Nguyễn Văn Hải được trả tự do ngay tại tòa.

Các luật sư của bị cáo Nguyễn Việt Chiến hiện đang chuẩn bị thủ tục xin kháng án.

An Nguyên

Không có nhận xét nào: