Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

CSVN chỉ chống tham nhũng trên giấy

*CSVN chỉ chống tham nhũng trên giấy. Ðến nay vẫn chưa phê chuẩn các công ước quốc tế về chống tham nhũng
Văn phòng Công Tố Quận Tokyo (Nhật) vừa cho biết đã bắt giữ ông Masayoshi Taga, cựu chủ tịch công ty Pacific Consultants International (PCI), cùng ba thuộc cấp (Kunio Takasu, 65 tuổi là cựu giám đốc điều hành PCI, Haruo Sakashita, 62 tuổi là giám đốc và Tsuneo Sakano, 58 tuổi là cựu trưởng văn phòng đại diện của PCI tại Hà Nội), vào ngày 4 tháng 8. Cả bốn cùng bị cáo buộc đã hối lộ viên chức trong chính quyền CSVN để trúng thầu một số dự án tư vấn mà phía Việt Nam thực hiện bằng tiền viện trợ của chính phủ Nhật.
Ðưa hối lộ để được trúng thầu
Các công tố viên quận Tokyo cho biết, cả bốn nhân vật kể trên đã hối lộ khoảng 9 triệu Yen (820,000 USD), cho một viên chức cao cấp trong chính quyền thành phố Sài Gòn. Ðây là lần đầu tiên Nhật bắt giữ những doanh nhân vi phạm luật cấm hối lộ viên chức ngoại quốc, sau khi luật này được sửa đổi vào năm 1998.
Người ta tin rằng ông Takasu là nhân vật đã trao tiền mặt cho một viên chức thuộc Sở Giao Thông Vận Tải thành phố Sài Gòn.
Ông Takasu khai với cơ quan điều tra rằng ông ta làm việc đó vì nó là “lệnh” của ông Taga. Các điều tra viên tin rằng toàn bộ công ty PCI đã tham dự vào vụ hối lộ kể trên.
Khi loan tin này, Kyodo News cho biết, công an CSVN thông báo đã thẩm vấn viên chức chính quyền CSVN nhận hối lộ của công ty PCI, theo yêu cầu của chính phủ Nhật và viên chức đó đã xác nhận sự việc. Các nguồn tin từ Nhật không cho biết tên của viên chức CSVN đã nhận hối lộ.
PCI đã trúng thầu một số dự án có tổng giá trị lên đến 3 ngàn tỉ Yen để nghiên cứu việc xây dựng Ðại Lộ Ðông Tây (tổng mức đầu tư 660 triệu USD, trong đó vốn vay ODA từ Nhật là 428 triệu USD) và dự án cải thiện môi trường nước ở Sài Gòn (giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư là 270 triệu USD, trong đó vốn vay ODA từ Nhật là 23.9 tỉ Yen). Cả hai dự án đều do chính quyền thành phố Sài Gòn làm chủ đầu tư và thực hiện bằng tiền việc trợ của chính phủ Nhật Bản.
Nhật báo Mainichi tiết lộ thêm rằng, PCI đã phải hối lộ khoản tiền tương đương 10% của tổng giá trị giá gói thầu. Bởi các dự án lớn về hạ tầng liên quan đến nhiều giới (UBND cấp tỉnh thành, kế hoạch đầu tư, tài chánh,...), nhiều cấp (địa phương và trung ương) nên ít ai tin rằng, chỉ có một viên chức làm việc tại Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn nhận toàn bộ số tiền kể trên và không chia chác.
Ông Takasu được xác định là đã đưa hối lộ hai lần. Một lần vào năm 2003 với số tiền là 600,000 USD và một lần vào năm 2006, với số tiền là 220,000 USD. Việc hối lộ của PCI là để được chọn trúng thầu.
Không phải lần đầu
Việt Nam là một trong những quốc gia nổi tiếng về tham nhũng. Giới đầu tư nước ngoài vẫn thường xuyên than phiền về việc phải chi tiền cho các viên chức trong chính quyền CSVN để công việc của họ không bị đình trệ và không gặp trở ngại.
PCI không phải là vụ đầu tiên và chắc chắn không phải vụ cuối cùng. Hồi tháng 3 năm 2007, tạp chí Der Spiegel (Tấm Gương) của Ðức cho biết, trong quá trình điều tra vụ tập đoàn Siemens (hoạt động trong lĩnh vực viễn thông) đưa hối lộ, Viện Công Tố Munich cho rằng, công ty Intercom của Siemens tại Thụy Sĩ đã chuyển hàng trăm nghìn Euro cho một viên chức của Việt Nam.
Trong báo cáo sơ bộ ghi ngày 9 tháng 11 năm 2006, công ty kiểm toán KPMG đã liệt kê một loạt hoạt động chuyển khoản khả nghi dưới hình thức thanh toán các hợp đồng tư vấn. Vào ngày 30 tháng 3 năm 2006, Intercom đã chuyển 241,515 Euro (khoảng 5,2 tỉ đồng) vào tài khoản mang tên “Le Tan Cuong” ở Singapore.
Các điều tra viên của Viện Công Tố Munich muốn biết rằng, nhân vật này có phải là cán bộ hiện làm việc trong chính quyền CSVN hay không (?).
Vào tháng 11 năm 2005, tập đoàn Siemens đã nhận được một đơn đặt hàng lớn từ Tập Ðoàn Bưu Chính-Viễn Thông của Việt Nam để kết nối 400 làng xã của Việt Nam vào mạng điện thoại vô tuyến.
Theo một báo cáo khác của KPMG, “Le Tan Cuong” dường như có vai trò đặc biệt trong việc nhận những khoản tiền lớn của Intercom. Năm 2006, văn phòng Intercom đã bị cơ quan điều tra tham nhũng của Thụy Sĩ khám xét. Người ta phỏng đoán rằng công ty này là bình phong cho hoạt động rửa tiền của tập đoàn Siemens.
Viện Công Tố Liên Bang Thụy Sĩ đã đưa ra một “yêu cầu hỗ trợ tư pháp quốc tế về hình sự” vì nghi ngờ hai đề án khác của Siemens với Tổng Công Ty Bưu Chính-Viễn Thông Việt Nam, với tổng giá trị lên tới 77.6 triệu Euro là “có vấn đề”. Các điều tra viên của Thụy Sĩ nghi ngờ khoảng 3 triệu Euro tiền hối lộ đã được tuồn vào một tài khoản thuộc ngân hàng LGT ở Liechtenstein, dưới danh nghĩa thanh toán các hợp đồng tư vấn.
Hồi tháng 12 năm 2007, tờ Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Võ Hồng Phúc, lúc đó là bộ trưởng Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư về khả năng ông Lê Tân Cương, vụ trưởng Vụ Quản Lý Khu Công Nghiệp và Khu Chế Xuất của bộ này liên quan như thế nào tới chuyện đưa hối lộ của tập đoàn Siemens. Ông Võ Hồng Phúc cho rằng: “Ðó chỉ là chuyện trùng tên hoàn toàn tình cờ. Chúng tôi đã xác minh và kết luận là ông Cương không liên quan”.
Theo tờ Tuổi Trẻ, ông Lê Tân Cương sinh năm 1951, từng là nghiên cứu sinh tại Ðông Ðức từ năm 1984-1987. Ông này làm vụ trưởng Vụ Quản Lý Khu Công Nghiệp và Khu Chế Xuất từ tháng 1 năm 2007. Sau đó là chánh thanh tra của Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư.
Tuy các cơ quan điều tra của Ðức và Thụy Sĩ cùng khẳng định tập đoàn Siemens đã đưa hối lộ cho viên chức của chính quyền CSVN song chính quyền CSVN vẫn tảng lờ, không lên tiếng và cũng không điều tra vụ này.
Vì sao CSVN không muốn tham gia các định chế quốc tế về chống tham nhũng?
Vào tháng 12 năm 2003, tại Merida, Mexico, đại diện chính quyền CSVN đã ký kết thỏa thuận tham gia Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hiệp Quốc.
Theo tập quán quốc tế, các công ước quốc tế chỉ thực sự có hiệu lực thi hành khi được quốc hội của các quốc gia phê chuẩn.
Ðến tháng 8 năm 2006, Quốc Hội CSVN vẫn chưa phê chuẩn công ước kể trên. Báo điện tử VietNamNet ra ngày 9 tháng 8 năm 2006 cho biết, chính phủ Ðan Mạch đã tài trợ để Việt Nam tổ chức một hội thảo nhằm thúc đẩy việc phê chuẩn Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hiệp Quốc.
Tại hội thảo, bà Charlotte Laursen, phó đại sứ Ðan Mạch tại Việt Nam, khẳng định: “Việc Việt Nam phê chuẩn công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc sẽ tạo ra một thông điệp đối với cộng đồng quốc tế, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc chống lại nạn tham nhũng trên mọi lĩnh vực”. Bà Charlotte Laursen khuyên: “Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để chống lại nạn tham nhũng. Tham nhũng ảnh hưởng đến người nghèo, sự phát triển kinh tế xã hội và cũng ảnh hưởng tới tất cả tiến bộ về kinh tế-xã hội của Việt Nam. Chống tham nhũng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam, làm cho khu vực kinh tế công trở nên hiệu quả hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam”.
Thế nhưng sau hội thảo kể trên, cho đến nay, Quốc Hội CSVN vẫn chưa phê chuẩn Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hiệp Quốc.
Năm 2004, Việt Nam còn ký kết thỏa thuận tham gia “Sáng kiến chống tham nhũng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” do Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (OECD) và Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) khởi xướng (thường được gọi tắt là Công Ước Chống Tham Nhũng OECD).
Mục tiêu của “Sáng kiến chống tham nhũng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” là “hỗ trợ các nước trong khu vực phát triển và thúc đẩy những chính sách chống tham nhũng toàn diện tại cấp quốc gia và khu vực. Ðồng thời cung cấp chương trình nâng cao năng lực trong lĩnh vực này”.
Song đến nay, Quốc Hội CSVN cũng chưa phê chuẩn “Sáng kiến chống tham nhũng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”.
Chính quyền CSVN chỉ giải thích rằng, sở dĩ quốc hội CSVN chưa phê chuẩn các công ước đã kể là vì họ “cần thời gian để sửa đổi các văn bản pháp quy cho phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tuy nhiên đối chiếu giữa thực tế với nội dung các công ước này, có thể thấy chính nội dung của các công ước về chống tham nhũng mới là lý do chính khiến CSVN ngần ngại phê chuẩn.
Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hiệp Quốc xác định mục tiêu chính là “truy tìm quan chức tham nhũng, thu hồi lại những khoản tiền đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp, xóa bỏ tất cả những tài khoản ngân hàng bí mật và nạn rửa tiền - hai trở ngại chính cho quá trình phát triển của mỗi nước”. Công ước này yêu cầu các quốc gia kết án hình sự với những hành động biển thủ, hối lộ, rửa tiền và lạm quyền. Công ước còn bao gồm một số điều khoản “yêu cầu các quốc gia chuyển lại những tài sản bị lấy cắp và được cất giấu ở nước ngoài cho quốc gia chủ sở hữu”.
“Sáng kiến chống tham nhũng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” do OECD và ADB khởi xướng thì xác định phải: Phát triển các hệ thống dịch vụ công minh bạch và hiệu quả (như: Việc tuyển dụng công chức phải bảo đảm công khai, công bằng và hiệu quả. Nâng cao vai trò của các hệ thống giúp tiếp cận thông tin, kể cả tài trợ các đảng chính trị,...), Tăng cường hoạt động chống hối lộ và khuyến khích tính liêm chính trong kinh doanh (như: Ðẩy mạnh hợp tác đa phương trong công tác điều tra, kiện tụng thông qua phát triển các hệ thống phù hợp với luật pháp trong nước và tăng cường trao đổi thông tin, bằng chứng, dẫn độ khi cần thiết, hợp tác tìm kiếm và phát hiện tài sản bị mất cũng như nhanh chóng tịch thu và trả về nước số tài sản đó,...), Tổ chức thảo luận rộng rãi trong dân chúng về tham nhũng (như: Ủng hộ các tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng bằng những cách như nâng cao nhận thức về tham nhũng và hậu quả của nó, huy động sự ủng hộ của công dân đối với một chính phủ trong sạch, cung cấp tư liệu và báo cáo về các trường hợp tham nhũng. Ðảm bảo rằng công chúng và các phương tiện truyền thông được tự do tiếp nhận và phổ biến thông tin về các vấn đề tham nhũng một cách phù hợp với luật pháp trong nước,...).
Những nội dung tạm kể chẳng khác gì “thòng lọng” và các viên chức cao cấp của chính quyền CSVN rõ ràng không muốn tự treo cổ mình.
Gia Ðịnh - Nguyễn Tuyển (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào: