Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2007

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY Ở CƠ QUAN HÀNH CHÍNH VN MÀ TÔI ĐÃ TỪNG GẶP



Khuôn mặt phòng họp
TT - Một ngày kia, đang ngồi họp, C. chợt phát hiện đồng nghiệp mình bị biến đổi. Từ những khuôn mặt khác nhau, giờ đây bọn họ có chung một khuôn mặt.
Không vội vàng tiết lộ điều mình phát hiện, C. tiếp tục quan sát và càng ngạc nhiên thấy rằng cái khuôn mặt phòng họp không chỉ đóng khung trong khuôn viên của cơ quan, mà nó đã cùng đồng nghiệp C. vượt ra ngoài cánh cổng cơ quan.
Sự phát hiện của C. có ý nghĩa gì?
Rõ ràng là từ khi phát hiện cái hiện tượng kia, C. không thể giữ lấy nhịp sống bình lặng trước đây của mình: ở C. đã có sự xáo trộn. Giờ đây C. đang phải đối mặt với một cái gì trừu tượng, mơ hồ nhưng có thể cảm nhận được rằng nó khuôn mẫu, xơ cứng và hết sức giả tạo: bọn họ đi lại, nói, cười, chào hỏi, thao tác công việc cứ hệt theo một kiểu trong một khuôn mặt.
C. bộc lộ nỗi bức xúc với vợ.
Vợ C. cũng là viên chức. Nàng có thâm niên hơn 20 năm công tác. Dĩ nhiên, chuyện họp hành, với nàng, gần gũi như cơm ăn áo mặc. Song, nàng chưa bao giờ nhận thấy điều gì tương tự như điều chồng nàng phát hiện. Nhưng một thời gian sau nhìn vẻ mặt thành khẩn của chồng, nàng không thể không quan tâm đến tính chân thực của vấn đề: biết đâu cái tập thể của cơ quan nàng cũng có cái hiện tượng kỳ lạ như tập thể cơ quan chồng nàng?
Thế là nàng bắt đầu quan sát. Nhưng quan sát mãi nàng vẫn không thấy gì. Nàng nói với chồng: "Đừng có nói với em cái chuyện mặt mày của anh nữa. Chẳng có biến đổi biến điếc gì đâu". C. im lặng. Với con người ta, cái trước mắt không phải là cái nhìn thấy, cái trước mắt là cái chỉ để nhìn thấy. Với C., những gì diễn ra ở đồng nghiệp là cái nhìn thấy. Đó là cái vừa thực vừa ảo, vừa xa lạ vừa quen thuộc, vừa mòn cũ, khô cứng vừa mới mẻ, mềm mại. Đó là cái hiện hữu. Đó là cái hiện tồn. Đó là cái có thực. Nhưng có cần chứng minh cho bàn dân thiên hạ biết hiện đang tồn tại trong đời sống một khuôn mặt phòng họp?
Một hôm, C. tiết lộ với một đồng nghiệp cùng phòng về phát hiện của mình.
Đồng nghiệp giễu: C. bị hâm.
C. bảo: "Hãy nhìn. Nhìn để thấy, thấy để biết".
Nhưng chẳng có nhìn, thấy, cảm, biết gì cả. Với đồng nghiệp của C., câu chuyện C. đề cập chỉ là sự thêu dệt cẩu thả của một đầu óc bất bình thường.
Nguy cơ C. bị đưa ra kiểm điểm trước tập thể vì lý do tung tin đồn nhảm là không tránh khỏi.
Quả nhiên, chuyện vỡ lở và sếp tức tốc gọi C. lên "làm rõ vụ việc".
"Tất cả mọi người chỉ có chung một khuôn mặt", C. nói.
"Khuôn mặt nào?".
"Khuôn mặt phòng họp".
"Khái niệm mới mẻ nhỉ?".
"Không phải khái niệm mà nó là một thực thể hiện tồn"
Dĩ nhiên, với sếp, đó là chuyện nhảm nhí. Sếp là người của chủ nghĩa duy vật.
"Cậu biết tôi là người của khoa học, của logic?".
Nhưng với đồng nghiệp của C. chuyện đó chẳng nhảm nhí chút nào.
Đó là sự khiêu khích, là sự bôi bác, xúc phạm nghiêm trọng đến lòng tự trọng cá nhân, vì rằng anh qui chụp tất cả mọi người trong một khuôn mặt chung, nghĩa là anh tước đi cái cá nhân, cái riêng biệt mà vốn nó khẳng định sự tồn tại của từng cá thể. Điều đó còn có thể hiểu: câu chuyện là sự kết luận đầy ác ý về tính a dua, ăn theo nói leo tập thể, sự cố tình đánh mất bản thân của cái tập thể C. đang sống và làm việc. Do đó, người ta nhanh chóng tìm được sự đồng thuận và một cuộc họp toàn thể cơ quan để kiểm điểm, kỷ luật C. đã được tổ chức.
Cuộc họp diễn ra gay gắt và quyết liệt. Và điều bất ngờ đã xảy ra: giữa cuộc họp, đột nhiên C. thấy mình bị biến mất. C. như cảm nhận được sự nghiền nát và tan ra của thân xác mình trong cái khối bầy nhầy, hỗn độn.
Phải đến cuối cuộc họp, C. mới trở lại tồn tại và như người mộng du, C. thừa nhận mọi khuyết điểm của mình.
Cảnh cáo là mức kỷ luật đã được tập thể cân nhắc dành cho C..
Giờ đây, mỗi khi bước vào phòng họp C. thấy mình bị biến mất. Sự biến mất cứ lặp đi lặp lại thành nỗi ám ảnh khiến C. thật sự lo âu, và nỗi lo đó ngày càng dồn ứ trong C. như một nỗi kinh hoàng khi mà nguy cơ bị biến mất vĩnh viễn luôn đe dọa C. và C. không thể tìm kiếm sự chia sẻ. C. thật sự hoang mang.
Dẫu đã nhắc nhở chồng về tính hoang đường của câu chuyện khuôn mặt phòng họp nhưng vợ C. vẫn không thôi quan sát cái tập thể, nơi nàng công tác. Trong cái phi lý bao trùm của câu chuyện, nàng vẫn mang máng thấy hiện diện một chút sự thật. Và tại cuộc họp bình xét thi đua cuối năm của cơ quan, nàng đã thảng thốt nhìn thấy khuôn mặt phòng họp.
Trong bữa cơm tối, nàng thuật lại vụ việc với chồng.
Bất giác, mắt C. và vợ gặp nhau. Một nỗi sợ hãi xuyên qua người khiến bọn họ run lên.
"Em có thấy mình bị biến mất?".
Vợ C. lắc đầu với ánh mắt dò bỏi.
Nhưng một buổi trưa đi làm về, vợ C. hốt hoảng nói: "Em bị biến mất". Buồn bã C. nói: "Anh đã bị biến mất từ lâu". Vợ C. khóc. Đột nhiên, C. giật bắn người: bên trên cái cổ dài, kiêu hãnh của vợ không còn cái khuôn mặt thanh tú với đôi mắt mơ buồn mà đã gắn lên đó khuôn mặt phòng họp của cơ quan C.
Những ngày tiếp theo, đến cơ quan, C. mang theo chiếc gương con của vợ thường dùng để trang điểm. Những lúc rỗi việc C. bí mật ngắm mình trong gương.
Một lần nhìn thấy khuôn mặt phòng họp trong gương, nghĩ là có đồng nghiệp đứng phía sau mình, C. quay đầu lại nhưng chỉ có bức tường vôi trắng đục màu sữa chắn ngang tầm mắt.
C. cay đắng nhận ra rằng mình đã mang khuôn mặt phòng họp.
Truyện 1.156 chữ của TRẦN VĂN BẠN
Cám ơn bạn đã viết ra được ý nghĩ như tôi 10 năm về trước - bạn cùng đò


Không có nhận xét nào: